Giới thiệu

Giới thiệu các chuyên ngành đào tạo

01. Ngành kỹ thuật Xây dựng công trình Giao thông – Chuyên ngành Xây dựng Cầu và Công trình ngầm

– Chương trình đào tạo:

Thời gian học: 4,5 năm đến 5 năm, học theo hình thức tín chỉ. Hai năm đầu, sinh viên sẽ được học các môn học đại cương và các môn cơ sở ngành. Năm thứ 3 sinh viên sẽ học các môn học chung của ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông. Các năm còn lại, sinh viên sẽ học các môn học chuyên sâu về Cầu và Hầm và làm thiết kế đồ án tốt nghiệp.
Để tạo điều kiện cho sinh viên có thể đi học và làm việc ở nước ngoài hoặc cho các công ty nước ngoài ở Việt Nam, từ năm học 2012-2013 (Khóa 57), khoa Cầu Đường đã mở lớp đào tạo kỹ sư Cầu đường học bằng tiếng Anh (CDE). Lớp học CDE có sĩ số khoảng 50-60 sinh viên được lựa chọn từ các sinh viên trúng tuyển khoa Cầu đường với điểm cao. Chương trình đào tạo cho lớp CDE tương tự như các lớp thông thường, tuy nhiên trong hai năm đầu sinh viên sẽ được học tăng cường tiếng Anh và các năm còn lại sinh viên học các môn chuyên ngành sẽ được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
– Bằng cấp:

Sinh viên sau khi tốt nghiệp được cấp bằng “Kỹ sư ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông”
– Cơ hội nghề nghiệp:

Cơ hội việc làm tốt vì sinh viên có thể xin vào làm việc trong nhiều lĩnh vực xây dựng khác như: Xây dựng nhà, Đường ô tô và Đường Sắt, Cảng: Đường thủy,…
Có cơ hội học thạc sỹ, tiến sỹ ngành Cầu hầm, ngành Xây dựng, ngành Quản lý Xây dựng, ở trong nước và nước ngoài.
Tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành sau khi tốt nghiệp 6 tháng trên 90%
Nhiều cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình Giao thông đã và đang làm luận án tiến sỹ ở Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh và Pháp, nhiều người hiện đang giữ những trọng trách trong ngành Giao thông vận tải và ngành Xây dựng, là cán bộ của các viện nghiên cứu cũng như ở trường Đại học khác.
Sau tốt nghiệp nhiều sinh viên ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình Giao thông đã trở thành những nhà khoa học lớn của Việt Nam như: GS.TSKH Nguyễn Như Khải nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng, GS.TSKH Nguyễn Trâm nguyên Trưởng khoa Đào tạo Sau đại học trường Đại học Xây dựng …, Bí thư tỉnh Quảng Ninh: Nguyễn Văn Đọc, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa: Nguyễn Ngọc Hồi. Nhiều cựu sinh viên là Cục trưởng, Vụ trưởng, Tổng giám đốc các Tổng công ty và là các doanh nhân thành đạt: Nguyễn Tiến Cường, Đỗ Hữu Trí, Nguyễn Trần Bạt …

02. Ngành kỹ thuật Xây dựng công trình Giao thông – Chuyên ngành Xây dựng Đường ô tô và Đường đô thị

– Giới thiệu:

Chuyên ngành Xây dựng đường ô tô và đường đô thị là một trong hai chuyên ngành chính của Khoa Cầu đường. Đây là một trong những chuyên ngành có bề dày truyền thống lâu đời nhất của trường Đại học Xây dựng, với hơn 60 năm kinh nghiệm trong đào tạo kỹ sư xây dựng cầu đường (từ năm 1956). Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, chuyên ngành đã đào tạo được một số lượng lớn cán bộ, kỹ sư làm việc trong các lĩnh vực xây dựng nói chung và ngành giao thông vận tải nói riêng.
– Đội ngũ giảng viên:

Bộ môn Đường ô tô và Đường đô thị là đơn vị phụ trách chuyên môn của chuyên ngành và trực tiếp giảng dạy các môn học chuyên môn sâu thuộc chuyên ngành. Bộ môn cũng là một trong những đơn vị được thành lập sớm nhất tại trường Đại học Xây dựng (tiền thân là Tổ môn đường – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội từ năm 1956, trước khi trường Đại học Xây dựng được thành lập năm 1966 trên cơ sở tách ra từ trường Đại học Bách Khoa).
Qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ và giảng viên thuộc Bộ môn đã có nhiều đóng góp không chỉ đối với sự nghiệp đào tạo các thế hệ kỹ sư cầu đường mà còn đối với cả sự nghiệp phát triển của ngành giao thông vận tải nói chung. Các giảng viên thuộc Bộ môn đã xuất bản và công bố hàng trăm ấn phẩm, sách, báo, tài liệu kỹ thuật … là tài liệu tham khảo về chuyên môn hữu ích cho những người làm kỹ thuật và quản lý trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Các giảng viên hiện đang công tác tại Bộ môn cũng đồng thời là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý công trình giao thông; đã có đóng góp đáng kể cho nhiều công trình thực tế của đất nước. Với những cống hiến và đóng góp to lớn qua các thế hệ, Bộ môn đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trong đó có danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Đội ngũ cán bộ giảng dạy ở Bộ môn hiện nay gồm 18 giảng viên trong đó có 3 Giáo sư, 4 Phó Giáo sư, và 5 Tiến sỹ. Hầu hết các giảng viên của Bộ môn đều được đào tạo và tu nghiệp ở nước ngoài. Đội ngũ giảng viên đều là những người thầy có năng lực chuyên môn cao, có tâm đức của người thầy, luôn đổi mới, sáng tạo và luôn xứng đáng là “tấm gương về học tập và rèn luyện” cho sinh viên noi theo.
– Triển vọng nghề nghiệp:

Làm công tác tác quản lý ở các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng nói chung và các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải nói riêng từ cấp Trung ương đến Địa phương như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và đầu tư …; các Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc Quy hoạch, Sở Kế hoạch đầu tư …; các Ban quản lý dự án xây dựng; các Trung tâm quản lý điều hành giao thông; các phòng quản lý xây dựng, phòng quản lý địa chính của các quận, huyện.
Làm công tác quản lý trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nói chung và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng.
Thực hiện các công việc chuyên môn trong nhiều lĩnh vực xây dựng quan trọng như: quy hoạch, thiết kế và quản lý khai thác hệ thống giao thông vận tải; thiết kế và xây dựng hệ thống công trình đường ô tô bao gồm cả hệ thống đường ô tô cao tốc; quy hoạch, thiết kế và xây dựng cảng hàng không, sân bay; quy hoạch và thiết kế hệ thống công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị ….
Thực hiện các công việc nghiên cứu và giảng dạy cho các Viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo về lĩnh vực xây dựng và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

03. Ngành Kỹ thuật Trắc địa, bản đồ – Chuyên ngành Kỹ thuật Trắc địa xây dựng – Địa chính

– Cơ hội việc làm:

Cơ hội nghề nghiệp của kỹ sư chuyên ngành Kỹ thuật trắc địa xây dựng – địa chính là rất lớn. Cụ thể, có thể tham gia, làm việc tại các công ty về khảo sát, tư vấn, xây dựng DD&CN, cầu đường, thủy lợi – thủy điện,…; làm việc tại Địa chính – Nhà đất cấp xã phường, cấp Huyện, cấp Tỉnh; làm việc tại Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải; làm việc tại các viện nghiên cứu như Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ,…; có thể giảng dạy các môn học về trắc địa tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
– Cơ hội đào tạo bằng 2 và đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước: Các kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật Trắc địa Xây dựng – Địa chính của Đại học Xây dựng có cơ hội học bằng hai, học song bằng và học nâng cao trình độ theo các chương trình sau:

Đào tạo đại học bằng 2, song bằng: do đã được học nhiều môn khối xây dựng công trình, nên sinh viên Trắc địa xây dựng – địa chính chỉ cần học thêm một số môn thuộc các ngành khác như xây dựng dân dụng, xây dựng cầu đường,.. là có thể được cấp bằng của ngành đó.
Đào tạo sau đại học ở trong nước và quốc tế (thạc sỹ, tiến sỹ): kỹ sư chuyên ngành Kỹ thuật trắc địa xây dựng – địa chính thể học nâng cao trình độ tại các trường trong nước có đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ trong nước như Đại học Xây dựng, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Mỏ – Địa chất, Đại học Nông nghiệp,… hoặc ở các nước khác như Nhật Bản, Singapo, Australia, Pháp, Bỉ, Mỹ,…