Đột phá mới trong quy hoạch đường sắt

Đánh giá

Nếu được thông qua về chủ trương và các bước chuẩn bị thủ tục, tuyến đường sắt tốc độ cao có thể được chuẩn bị đầu tư sớm nhất vào cuối 2025.

Đột phá mới trong quy hoạch đường sắt: khi nào có đường sắt cao tốc?

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có thể được đầu tư sớm nhất vào cuối năm 2025, đến năm 2027 triển khai xây dựng

Luật Đường sắt 2017 và các chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt trước đây đều khẳng định đường sắt là phương thức vận tải chủ đạo, cần ưu tiên đầu tư. Bộ GTVT đang hoàn thiện để trình Quy hoạch GTVT trong 10 năm tới và tầm nhìn năm 2050 để tạo đột phá phát triển 5 lĩnh vực GTVT, trong đó có đường sắt…

Khi nào có đường sắt cao tốc?

Nếu sớm được thông qua về chủ trương và các bước chuẩn bị thủ tục, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có thể được chuẩn bị đầu tư sớm nhất vào cuối 2025, đến năm 2027 triển khai xây dựng, hoàn thành vào khoảng 2030 2031, đưa vào khai thác năm 2032. Đường sắt tốc độ cao được kỳ vọng sẽ là đột phá của ngành đường sắt trong 10 năm tới.

Đường sắt đang “chết yểu “

Những năm trước 1980 được coi là thời kỳ hoàng kim của vận tải đường sắt. Khi đó, đường sắt chiếm tới hơn 29% tổng luân chuyển hành khách và 7,5% tổng lượng luân chuyển hàng hóa.

Những con tàu luôn đông nghịt khách, các nhà ga ken đặc người là hình ảnh quá quen thuộc. Dịp lễ Tết, để có được chiếc vé tàu về quê là cả vấn đề, phải xếp hàng, đặt chỗ trước nhiều ngày.

Tuy nhiên, “phú quý giật lùi”, vai trò chủ đạo của vận tải đường sắt tụt dốc không phanh. Hơn 30 năm trở lại đây, thị trường vận tải đường sắt sụt giảm thê thảm và hiện chỉ còn giữ hơn 1,3% lượng luân chuyển hành khách, hơn 1,1% luân chuyển hàng hóa toàn ngành GTVT.

Giai đoạn 2010 – 2019, vận tải đường sắt tiếp tục tụt lùi và tăng trưởng âm tới 3,63% về hành khách và âm 3,9% về hàng hóa. Đến năm 2020, dịch Covid-19 kéo dài, vận tải đường sắt còn bết bát hơn, lượng hành khách đi tàu chỉ bằng 47,5% cùng kỳ. Tổng công ty Đường sắt VN lỗ hơn 1.324 tỷ đồng; hàng nghìn lao động phải giãn việc, nghỉ việc…

Ông Trần Trọng Lưu, Giám đốc Công ty Du lịch Haratour, một trong những doanh nghiệp du lịch, lữ hành cho hay, nguyên nhân đường sắt “sống mòn”, khách rời bỏ là do hiện chủ yếu là đường đơn, giao cắt đồng mức nhiều nên chỉ cần một sự cố là ảnh hưởng đến toàn bộ hành trình tàu.

“Rất nhiều đoàn khách của chúng tôi đi tàu từ Hà Nội đến Quảng Bình, nhưng lúc về họ nhất quyết bỏ tàu, thêm tiền chuyển sang đi máy bay”, ông Lưu chia sẻ và cho biết thêm, với những tour đi ngắn như Thanh Hóa, Vinh khách sẽ chọn đi đường cao tốc, chặng dài từ Huế, Đà Nẵng trở vào Nam 100% khách chọn đi máy bay giá rẻ.

Vận tải hàng hóa cũng chung số phận. Ông Trần Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, cước từ ga đến ga không cao, có thể cạnh tranh được với các phương thức khác.

Nhưng chi phí trung chuyển gồm bốc xếp, vận chuyển đường ngắn hai đầu từ ga đến kho và ngược lại rất lớn. Ví dụ: Từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn, thu trên đường sắt được 8 triệu cho một container, thì chi phí hai đầu cũng mất đến khoảng 8 triệu; ít thì cũng bằng 3/4 chi phí từ ga đến ga.

Tập trung nguồn lực đầu tư đường sắt tốc độ cao

Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho biết, Luật Đường sắt và các chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt đến 2020, tầm nhìn 2050 trước đây đều nêu rõ đường sắt là phương thức vận tải chủ đạo, phải được ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, hầu hết các nội dung đề ra trong chiến lược, quy hoạch không đạt.

Theo ông Mười, Bộ GTVT đang lập Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Tại quy hoạch lần này, Bộ GTVT đặt mục tiêu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và coi đây là đột phá của đường sắt trong 10 năm tới.

“Đến lúc chúng ta cần tập trung nguồn lực đầu tư cho đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Trong đó, bằng mọi nguồn lực đầu tư 2 đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Vinh, TP HCM – Nha Trang, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII”, ông Mười nói.

Cũng theo ông Mười, nếu sớm được thông qua về chủ trương đầu tư và các bước chuẩn bị thủ tục, đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư, sớm nhất cuối năm 2025, đầu năm 2026 có thể bắt tay chuẩn bị đầu tư, đến năm 2027 xây dựng; khoảng 2030 – 2031 hoàn thành tuyến, đến năm 2032 đưa vào khai thác. Mục tiêu phải tiệm cận công nghệ đường sắt tốc độ cao thế giới là 350km/h, còn chọn tốc độ chạy tàu bao nhiêu sẽ quyết định sau.

Tư vấn cũng dự báo, sau năm 2030, khi đường sắt tốc độ cao hoạt động, đường sắt sẽ dần có vị thế chủ đạo, thị phần cao hơn so với hàng không, đường bộ ở cự ly có lợi thế. Cụ thể là các cự ly vận chuyển hành khách trên hành lang Bắc – Nam ở các chặng có cự ly 300 – 800km; hàng hóa và hành khách trên hành lang Đông – Tây.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/