Hai Cầu Thép Mang Tên Linh Vật Rồng Xây Dựng Đầu Thế Kỉ 20 (Phần 2)

Đánh giá

Ngày 16/07/2020, chuyên mục cựu sinh viên đã đăng tải Phần 1 bài viết “Hai cầu thép mang tên linh vật Rồng xây dựng đầu thế kỉ 20“ của tác giả Nhữ Đình Văn – cựu sinh viên K33 Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng đã được sự đón nhận rất nồng nhiệt của quý thầy cô và các bạn. Chuyên mục cựu sinh viên xin tiếp tục gửi đến Phần 2 bài viết:

Hai cầu thép mang tên linh vật Rồng xây dựng đầu thế kỉ 20 Phần 2

Cầu Long Biên (Hà Nội) và cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) – Là hai cây cầu thép, nhịp lớn có kết cấu rất tiêu biểu, mang trên mình nhiều chứng tích lịch sử, rất đáng ghi nhớ trong lịch sử ngành cầu Việt Nam.

Tham khảo: Hai cầu thép mang tên linh vật Rồng xây dựng đầu thế kỉ 20 Phần 1

Cầu HÀM RỒNG (Thanh Hoá):

     Khánh thành năm 1904, là cầu hỗn hợp đường sắt, đường bộ bắc qua sông Mã. Kết cấu nhịp là vòm thép 3 khớp, dài 160 m (quá “khủng” ở thời điểm đó, so sánh: nhịp dàn cầu Long Biên là 75m, nhịp vòm giữa cầu Đông Trù là 120 m, nhịp vòm cầu Hoàng Văn Thụ HP khánh thành năm 2019 là 200m…).

     Căn cứ điều liện địa hình, địa chất, thủy văn vị trí xây dựng cầu, các nhà thiết kế đã lựa chọn cầu vòm một nhịp duy nhất, không trụ cầu ngoài sông. Mố phía tả ngạn đặt ngay chân núi đá Hàm Rồng. Cầu bị đánh sập năm 1947 để ngăn chặn quân Pháp tái chiếm, sau đó không được khôi phục lại.

     Nhịp vòm thép “khủng” này được thi công bằng hệ thiên tuyến. Khâu đóng khớp giữa, hợp long vòm là quan trọng và cực khó khăn với loại kết cấu này. Theo lưu truyền, ông thợ cả người Việt tên Viên đã thực hiện công đoạn này(1).

Cầu Hàm Rồng. Ảnh sưu tầm trên internet

     Theo thi sĩ Tản Đà, cầu được sơn mầu đỏ, rất ấn tượng:

 “Ai xui ta nhớ Hàm Rồng

Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây…

Sơn cầu còn đỏ chưa phai?

Non xanh còn đối? sông dài còn sâu?

Còn thuyền đánh cá buông câu?

Còn xe lửa chạy trên cầu như xưa?…

Ước sao sông cứ còn sâu

Non xanh còn cứ giữ mầu xanh xanh!

Khung cầu còn cứ như tranh

Hoả xa cứ chạy, bộ hành cứ đi!”

(Nhớ cảnh cầu Hàm Rồng)

     Trong chiến tranh chống Mỹ, với chức năng huyết mạch giao thông, cầu Hàm Rồng khi đó là dàn thép quân dụng hai nhịp trở thành địa điểm bắt phá ác liệt của máy bay Mỹ. Cầu Hàm Rồng ghi đậm chứng tích lịch sử chống ngoại xâm của người dân Thanh Hóa.

     Cầu Long Biên và Hàm Rồng là hai cây cầu thép nhịp lớn xây dựng đầu thế kỉ 20, quy mô đồ sộ, kết cấu nhịp tiêu biểu, như: Dàn thép nhịp lớn có đầu chìa, hệ dầm (dàn) treo, vòm ba khớp nhịp lớn; Các biện pháp thi công như: móng giếng chìm hơi ép, lắp ráp nhịp thép trên đà giáo, sử dụng dây thiên tuyến v.v… Mặc dù cầu do người Pháp xây dựng, nhưng cầu có sự tham gia của đông đảo nhân công, thợ người Việt Nam, trải qua hàng trăm năm phục vụ vận tải giao thông và chiến tranh, cầu mang trên mình những dấu ấn văn hóa và chứng tích lịch sử của dân tộc. Hai cây cầu mang tên loài linh vật Rồng linh thiêng theo tín ngưỡng Việt Nam này là những công trình rất đáng nghi nhớ trong lịch sử ngành cầu nước ta.

Tác giả: Nhữ Đình Văn – Cựu SV K33, Khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng

Chú thích:

(1) Theo Mỹ học Cầu Đường – PGS.TS Đào Xuân Lâm, GS.TS Đỗ Bá Chương

Tài liệu tham khảo:

  • Mỹ học Cầu Đường – PGS.TS Đào Xuân Lâm, GS.TS Đỗ Bá Chương, Nhà xuất bản Giao thông vận tải.
  • Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội (1875-1945), Nhà xuất bản Thế giới.