Năm dự án đường sắt đô thị đang triển khai ở Hà Nội

Đánh giá

Ngoài tuyến Cát Linh – Hà Đông đã vận hành, tuyến Nhổn – ga Hà Nội dự kiến chạy đoạn trên cao cuối năm 2022, thành phố đang triển khai nhiều tuyến đường sắt đô thị khác.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, có 10 tuyến với tổng chiều dài 417 km, trong đó đi trên cao 342 km, đi ngầm 75 km. Tuyến Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành sau 10 năm xây dựng, một số tuyến đang tiếp được triển khai.

Người dân chờ đón lên tàu đường sắt đô thị đầu tiên của thủ đô vận hành tại ga Cát Linh, sáng 6/11. Ảnh: Giang Huy

Người dân chờ đón lên tàu đường sắt đô thị đầu tiên của thủ đô vận hành tại ga Cát Linh, sáng 6/11. Ảnh: Giang Huy

Tuyến đường sắt đô thị số 3đoạn Nhổn – ga Hà Nội dài 12,5 km (gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm) đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm được khởi công từ tháng 9/2010.

Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, 8,5 km đoạn trên cao đã hoàn thành tiến độ khoảng 80%. Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022. Với 4,5 km đi ngầm (từ ga S9 đến S12), do khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng, cũng như các yếu tố khách quan về dịch bệnh, hành lang pháp lý…, các đơn vị liên quan đặt mục tiêu phấn đấu đoạn ngầm hoàn thành năm 2024 hoặc 2025.

Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sử dụng công nghệ Trung Quốc, tuyến Nhổn – ga Hà Nội có công nghệ, quy chuẩn của Pháp. Hà Nội đã có kế hoạch để kết nối hai tuyến này.

Đoạn tiếp theo của tuyến đường sắt đô thị số 3 (ga Hà Nội đến Hoàng Mai) được thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 4/2020.

Tổng chiều dài đoạn tuyến chính là trên 8,7 km, trong đó, chiều dài đi ngầm là 8,13km. Toàn tuyến có 7 ga ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1,7 tỷ USD, tương đương trên 40.500 tỷ đồng, bằng nguồn vốn vay ODA. Vốn đối ứng trong nước từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội dùng chi giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác của dự án. Dự án sẽ khởi công từ năm 2022 và hoàn thành cuối năm 2028.

Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Hoà Lạc) được thành phố thông qua chủ trương tháng 4/2020. Tuyến dài 39 km với 21 nhà ga (6 ga ngầm và 15 ga nổi). Khởi đầu từ khu vực đường Văn Cao giao với Hoàng Hoa Thám, metro số 5 sẽ đi ngầm qua đường Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long.

Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất), metro số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc – Hòa Bình.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội “Tuyến số 5 Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc” có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Chiều dài toàn tuyến 38,43 km (6,5 km đi ngầm, 2 km đi cao và 29,93 km đi trên mặt đất) bao gồm 21 ga (trong đó có 6 ga ngầm).

Tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng, bằng ngân sách nhà nước. Dự án không phân kỳ đầu tư và dự kiến hoàn thành năm 2025.

Tàu của tuyến Nhổn - ga Hà Nội tại Depot Nhổn. Ảnh: Giang Huy.

Tàu của tuyến Nhổn – ga Hà Nội tại Depot Nhổn. Ảnh: Giang Huy

Tuyến số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) dài 11,5 km, với 3 ga trên cao, 7 ga ngầm. Dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2008, là cơ sở để Việt Nam và Nhật Bản ký hiệp định vay vốn cho dự án này. Ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào vận hành, chạy thử và khai thác vào năm 2015. Do phải thực hiện một loạt điều chỉnh, tiến độ được lùi đến năm 2027.

Lộ trình tuyến đường sắt đô thị số 2 được xác định từ Khu đô thị Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài – điểm cuối trên phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).

Một trong số những vướng mắc khiến dự án chậm triển khai do vị trí xây dựng nhà ga C9 gần Hồ Gươm. Do những lo ngại xây dựng ga ngầm tại vị trí trên có thể ảnh hưởng đến Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, các đơn vị liên quan đã không tìm được sự đồng thuận để phê duyệt tổng quy hoạch mặt bằng ga này. Sau nhiều năm bảo vệ phương án làm ga C9 gần hồ, Hà Nội đã tính đến các phương án khác, trong đó có việc bỏ xây dựng ga ngầm tại khu vực này.

Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi) đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật. Dự án được nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng vào cuối năm 2002 với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, được phân kỳ thành 3 giai đoạn. Sau gần 20 năm, dự án đã nhiều lần điều chỉnh phân kỳ đầu tư và tổng mức đầu tư.

Lãnh đạo Hà Nội cho biết, thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ bàn giao tuyến đường sắt quốc gia hiện trạng từ Yên Viên đến Ngọc Hồi, gồm cả ga trung tâm Hà Nội cho thành phố. Đoạn tuyến trên nằm trong dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên – Ngọc Hồi. Sau khi nhận bàn giao, Hà Nội sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 1.

Thành phố cũng đã giao nhiệm vụ Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) chuẩn bị các tuyến Nam Thăng Long – Nội Bài; Trần Hưng Đạo – Thượng Đình; tuyến Cổ Nhuế – Vành Đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá…

Phối cảnh ga ngầm C9 (ga ngầm ở gần Hồ Gươm), tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Ảnh: MRB.

Phối cảnh ga ngầm C9 (ga ngầm ở gần Hồ Gươm), tuyến đường sắt Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Ảnh: MRB.

Phó chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, các tuyến đã hay đang chuẩn bị triển khai cũng sẽ được một lần nữa củng cố trong điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải thành phố cũng như đều chỉnh Chung quy hoạch thủ đô mà thành phố đang thực hiện.

Ông Tuấn cho rằng, với tốc độ như hiện nay, cần 8-10 năm mới xây xong một tuyến đường sắt, do vậy thành phố sẽ có giải pháp đột phá để thực hiện. “Chúng ta đi qua chặng đường dài, nhiều khó khăn, rút ra nhiều bài học để chuẩn bị các công trình tiếp theo”, ông Tuấn nói.

Võ Hải

Nguồn: https://vnexpress.net/