20 quận, huyện được quy hoạch không gian ngầm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì và Thường Tín.
Hà Nội xác định các hạng mục xây ngầm gồm hai nhóm là hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện lực; và công trình công cộng ngầm như trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, vui chơi giải trí, kho tàng, bãi đỗ xe…
Khu vực có tiềm năng xây dựng công trình ngầm gồm nội đô lịch sử và nội đô mở rộng; khu nhà cao tầng phía Bắc sông Hồng; chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4, các dự án vành đai xanh và trục không gian hồ Tây – Ba Vì, Tây hồ Tây, Cổ Loa và dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị.
Về độ sâu, quy hoạch chia làm 3 lớp với công năng riêng. Lớp nông (0-5 m) phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm như lối vào tầng hầm, hầm đi bộ. Lớp trung bình (5-15 m) để xây công trình công cộng, bãi đỗ xe ngầm. Lớp sâu (15-30 m) dùng để xây hệ thống giao thông ngầm, đường sắt đô thị…
Vùng hạn chế xây dựng công trình ngầm là khu phố cổ Hà Nội; ngoài đê sông Hồng, sông Đuống; nơi có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng tiêu thoát lũ.
Vùng cấm xây dựng, khai thác không gian ngầm là khu vực được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt như hoàng thành Thăng Long, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch; Văn miếu Quốc Tử Giám; khu Cổ Loa; đền thờ Hai Bà Trưng; khu vực hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; phạm vi khoanh vùng bảo vệ khu đất quốc phòng – an ninh.
Đối với giao thông ngầm, Hà Nội sẽ tập trung phát triển hệ thống đường bộ tại các nút giao thông khác mức; mạng lưới đường sắt đô thị với 8 tuyến, tổng chiều dài đi ngầm khoảng 86,5 km và 81 ga. Định hướng phát triển theo mô hình TOD, tức là đô thị nén, mật độ cao xung quanh ga đường sắt đô thị; ưu tiên phát triển không gian ngầm trong công trình công cộng, trung tâm thương mại.
Ngoài ra, thành phố cũng định hướng hoàn thiện hệ thống bãi đỗ xe ngầm, áp dụng công nghệ để tối ưu diện tích sử dụng trong khu vực nội đô, bổ sung bãi đỗ xe dưới vườn hoa, công viên, quảng trường. Hạ tầng kỹ thuật gồm đường ống, cống, đường dây điện, viễn thông cũng hướng tới hạ ngầm 100%…
Với bãi đỗ xe công cộng ngầm, trong nội đô lịch sử, Hà Nội sẽ tận dụng tối đa các bãi đỗ xe đã có để xây dựng bãi ngầm, nhiều tầng, khuyến khích sàn đỗ xe kiểu cơ giới hóa để tiết kiệm quỹ đất. Thành phố cho phép bổ sung các bãi đỗ xe ngầm dưới vườn hoa, công viên, quảng trường và các công trình công cộng; quy hoạch các bãi đỗ xe công cộng ngầm tại bốn quận nội thành cũ với 78 điểm xây dựng (tổng diện tích sàn khoảng 104 ha, công trình 3-4 tầng hầm, tối đa 5 tầng, cho phép kết hợp với các chức năng thương mại, dịch vụ).
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm được giữ nguyên trạng mạng lưới cống, hệ thống dùng chung cơ bản đáp ứng yêu cầu tại khu nội đô lịch sử. Hào kỹ thuật sẽ được xây mới trên các tuyến đường mới phục vụ hạ ngầm 100% đường dây, đường ống…
Tại đô thị vệ tinh Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, thành phố khuyến khích phát triển không gian công cộng ngầm xung quanh các tuyến đường sắt dự kiến kết nối với đô thị trung tâm. Còn đô thị vệ tinh Hòa Lạc và khu vực dự kiến xây dựng trường đại học, cơ sở nghiên cứu, Hà Nội khuyến khích xây dựng hạ tầng ngầm tại khu thí nghiệm công nghệ cao, kho tàng – cơ sở lưu trữ và các khu sản xuất thử nghiệm hiện đại.
Theo UBND Hà Nội, quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, sử dụng công trình và khớp nối, đồng bộ không gian xây dựng ngầm trên địa bàn. Đây là cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu không gian xây dựng ngầm đô thị, lập quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm cho các khu vực đô thị, lập dự án đầu tư xây dựng ngầm trong khu vực đô thị trung tâm, hướng tới xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển đô thị bền vững.
Quyết định quy hoạch chung này có hiệu lực từ 15/3.
Nguồn: https://vnexpress.net/