Những cao tốc kết nối các tỉnh phía Bắc với thủ đô

Đánh giá

Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Cao Bồ – Mai Sơn, Hà Nội – Hải Phòng, Vân Đồn – Móng Cái… là những dự án giao thông hiện đại, giúp việc đi lại nhanh chóng giữa các tỉnh, thành phía Bắc với thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.

1. Cao tốc Nội Bài – Lào Cai được khởi công xây dựng từ tháng 4/2009 theo tiêu chuẩn loại A. Đoạn đường từ Hà Nội đi Yên Bái có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100km/h, đường từ Yên Bái đi Lào Cai có 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 80km/h. Công trình được xây dựng từ khu vực đồng bằng lên vùng Tây Bắc với nhiều đồi núi, vượt qua hai con sông lớn là sông Hồng và sông Lô. Tổng mức đầu tư lớn hơn 1,46 tỷ USD, suất đầu tư của dự án chỉ vào khoảng 6 triệu USD/km đường cao tốc. Từ khi khánh thành, hành trình từ thủ đô đến Lào Cai được rút ngắn thời gian chỉ còn khoảng 3,5 giờ so với 7 giờ trước đó, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong vùng.

2. Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang dài 45,8km, điểm đầu tại Km113+985, QL1 (nút giao QL31) thuộc địa phận TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang và điểm cuối dự án tại Km159+100 quốc lộ 1 (trạm thu phí Phù Đổng cũ), thuộc địa phận huyện Gia Lâm (Hà Nội). Công trình có tổng vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng theo hình thức BOT, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, 4 làn xe, tốc độ cho phép 100km/h, khánh thành từ tháng 1/2016.

3. Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có tổng mức đầu tư 12.189 tỷ đồng, bao gồm 2 hợp phần: Quốc lộ 1 qua Bắc Giang dài 110km và cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn dài 64km. Dự án có điểm đầu tại Km45+100, giao cắt với quốc lộ 1 tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) và điểm cuối tại Km108+500, nối với quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang. Cao tốc rộng 25m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h. Đây là tuyến là một trong 7 tuyến xuyên tâm kết nối các tỉnh với Hà Nội.

4. Cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh có chiều dài 31km, điểm đầu tại Nội Bài (Hà Nội), điểm cuối tại địa phận Bắc Ninh. Đoạn đường này trùng với quốc lộ 18, thiết kế 4 làn xe. Dự án được khởi công xây dựng năm 1998, hoàn thành và thông xe vào năm 2002. Nhờ hình thành rất sớm đã giúp người dân di chuyển từ thủ đô đến Bắc Ninh và các vùng lân cận nhanh chóng, giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông.

5. Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên được khởi công từ tháng 11/2009, thông xe vào tháng 1/2014. Dự án có tổng chiều dài 63,8km đi qua ba địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, với 18 cầu trên tuyến chính (dài 2,7 km), 15 cầu vượt đường ngang. Quy mô bề rộng nền đường là 34,5m; trong đó đoạn Ninh Hiệp – Sóc Sơn dài 26,9km có bề rộng mặt đường là 21m với 4 làn xe chạy và 2 làn xe dừng khẩn cấp; đoạn Sóc Sơn – Thái Nguyên dài gần 37km có bề rộng mặt đường 18m với 4 làn xe chạy.

6. Pháp Vân – Cầu Giẽ là một trong những tuyến cao tốc ở phía Bắc kết nối từ Hà Nội đi các tỉnh được xây dựng sớm. Công trình được khởi công năm 1998, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2002, sau đó phải trải qua nhiều lần duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp mặt đường. Theo thiết kế ban đầu dành cho đường cao tốc, làn trái tốc độ tối đa 100km/h, tối thiểu 80km/h, làn phải tốc độ 60 – 80km/h. Toàn tuyến dài 32,3km, gồm 6 làn xe chạy (mỗi chiều 3 làn) và 2 làn dừng khẩn cấp.

Công trình có điểm đầu tuyến là nút giao Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, giao cắt với đường vành đai 3 và điểm cuối tại Cầu Giẽ, huyện Phú Xuyên, nối tiếp với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình.

 

7. Cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có chiều dài toàn tuyến 50km, điểm đầu tại Km210 trên quốc lộ 1A (nút giao Đại Xuyên) thuộc địa phận Hà Nội, điểm cuối tuyến tại Km260+030 (nút giao Cao Bồ) trên quốc lộ 10 đoạn nối Ninh Bình – Phát Diệm. Hiện tuyến cao tốc này khai thác với quy mô 4 làn xe, khánh thành năm 2012. Theo báo cáo của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), nhu cầu vận tải đoạn Đại Xuyên – Liêm Tuyền đạt 55.022 – 61.320 xe con quy đổi/ngày đêm (giai đoạn 2018 – 2020) đã vượt quá năng lực thiết kế của quy mô hiện hữu, có xu hướng gia tăng lưu lượng trong thời gian tiếp theo. Tuyến đường dài khoảng 20km này đang được đề xuất đầu tư mở rộng từ 4 lên 6 làn xe, mặt cắt ngang 34,5m, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 354 tỷ đồng. Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, VEC sẽ sử dụng nguồn vốn còn lại tại dự án cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình để đầu tư và hoàn thành vào năm 2024.

 

8. Cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 thông xe, nối liền tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, góp phần hoàn thiện toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Dự án có tổng mức đầu tư 1.607 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội.

Dự án Cao Bồ – Mai Sơn có tổng chiều dài 15,2km, trong đó phần tuyến chính được cải tạo, nâng cấp theo quy mô đường cao tốc khoảng 7km, quy mô 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh dự án sẽ đầu tư theo quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h, xây dựng thêm cầu Nam Bình và cầu Mai Sơn trên tuyến chính, trong đó cầu Nam Bình vượt qua sông Đáy có chiều dài 1.600m, nhịp chính đúc hẫng cân bằng có chiều dài 130m, là một trong những cầu cầu lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Nhật Sinh. 

9. Cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 dài 63,37km qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, là một dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Công trình có tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng, được khởi công ngày cuối tháng 9/2020. Hiện trên toàn dự án triển khai 68 mũi thi công tại 5 gói thầu gồm: 30 mũi thi công đường, 34 mũi thi công cầu và cấu kiện, 4 mũi thi công hầm. Tổng sản lượng thi công đạt hơn 4.201 tỷ đồng, tương đương 60,82% giá trị xây lắp theo hợp đồng (hơn 6.907 tỷ đồng).

10. Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 105km, điểm đầu giao cắt với vành đai 3 (cách cầu Thanh Trì 1km về phía Bắc Ninh) thuộc phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội), điểm cuối tại cảng Ðình Vũ (quận Hải An, Hải Phòng). Công trình có tổng vốn đầu tư 45.487 tỷ đồng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam đầu tư. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trên cả nước có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, với nhiều trang thiết bị công nghệ mới hiện đại. Trên tuyến có 39 vị trí giao cắt là cầu vượt hoặc hầm chui, 106 cống dân sinh và 164km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương.

 

11. Cao tốc Hải Phòng – Hạ Long chiều dài toàn tuyến 25,2km, kết thúc tại quốc lộ 18, phường Đại Yên, TP Hạ Long (Quảng Ninh). Công trình có thiết kế tốc độ toàn tuyến 100km/h, từ khi đưa vào sử dụng giúp rút ngắn quãng đường lưu thông giữa Hạ Long và Hà Nội giảm từ 180km còn 130km, thời gian đi ôtô chỉ còn 1,5 tiếng. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng cũng chỉ còn từ 70km xuống 25km. Dự án đóng vai trò then chốt trong việc tạo không gian phát triển mới dọc khu vực ven biển của cả hai địa phương.

12. Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn có chiều dài gần 60km đi qua địa bàn TP Hạ Long – Hoành Bồ – Cẩm Phả nối với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng theo hình thức đối tác công – tư,  dự án được thiết kế 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đã 100km/h. Đây là tuyến cao tốc chiến lược của Quảng Ninh, xuyên suốt, kết nối các sân bay quốc tế phía Bắc, trục kinh tế trọng điểm gồm: Nội Bài (Hà Nội) – Cát Bi (Hải Phòng) – Vân Đồn (Quảng Ninh).

13. Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), tổng vốn 11.195 tỷ đồng, thông xe hôm 1/9. Điểm đầu của dự án tiếp nối với cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, đi qua các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, điểm cuối nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II tại TP Móng Cái. Tuyến cao tốc này dài 80,23km, rộng 25,25m, 4 làn xe, tốc độ tối đa 100km/h, sau đó được điều chỉnh theo hướng tách thành hai dự án độc lập, tăng vận tốc tối đa từ 100 lên 120km/h. Theo đó, tuyến Vân Đồn – Tiên Yên dài 16,8km được triển khai theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư 3.658 tỷ đồng. Đoạn từ Tiên Yên tới Móng Cái dài 63,26km, triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư 9.113 tỷ đồng. Công trình được đầu tư bằng hình thức BOT, là tuyến nằm trong dự án cao tốc trị giá hơn 12.000 tỷ, dài 80km nối sân bay Vân Đồn, khu kinh tế Vân Đồn với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.

Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài khoảng 2.109km đã khai thác và đang xây dựng một số đoạn dài 601km.

Trong thời gian tới, dự án cao tốc Bắc – Nam tiếp tục đầu tư một số đoạn với chiều dài khoảng 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, gồm các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2, (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Nguồn: vietnamnet.vn