Chốt 2,87 triệu tỷ đồng tổng mức vốn đầu tư trung hạn 2021 – 2025
Sáng 28/7, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với đại biểu tán thành.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị biểu quyết
Theo đó, Quốc hội chốt tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, bao gồm 1,5 triệu tỷ vốn ngân sách trung ương và 1,37 triệu tỷ vốn ngân sách địa phương.
Quốc hội cũng đồng ý dự phòng 10% kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương theo từng nguồn vốn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn.
Dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 do Hội đồng nhân dân các cấp quyết định theo thẩm quyền được quy định tại Luật Đầu tư công.
Quốc hội cũng đồng ý bố trí 100 nghìn tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 50 nghìn tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 30 nghìn tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 20 nghìn tỷ đồng.
Bố trí hơn 65,7 nghìn tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, gồm: Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông (giai đoạn 1) và Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Bố trí hơn 38,7 nghìn tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để đầu tư Dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc – Nam tuyến phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Đối với số vốn 78.719 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác, Quốc hội giao chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia và mức vốn bố trí cho từng dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, không chia nhỏ dự án.
Điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với số được cấp, địa phương phải tự cân đối vốn
Về nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, phù hợp với khả năng tài chính; bảo đảm cân đối vĩ mô, giữ vững an toàn nợ công.
Tuân thủ thứ tự bố trí vốn theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các địa phương được bố trí vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 phải cam kết bố trí phần vốn còn thiếu từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án so với tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư trung hạn, địa phương phải tự cân đối vốn để hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Đối với nguồn vốn nước ngoài, phải tính toán, cân đối giữa nhu cầu vay và khả năng trả nợ của các dự án đã triển khai và các dự án mới.
Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Nguồn: https://vnexpress.net/