TỰ HÀO – NGÀNH CẦU ĐƯỜNG
- Trang chủ
- ›
- Tin tức
- › Tin tức ngành Cầu Đường
- ›
- TỰ HÀO – NGÀNH CẦU ĐƯỜNG
VAI TRÒ CỦA HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Hạ tầng giao thông là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hạ tầng giao thông có hiện đại, đồng bộ thì mới tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng, ổn định và bền vững. Bởi vậy, phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia. Nói một cách khác, hạ tầng giao thông phải đóng vai trò chiến lược “đi trước – mở đường” để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hiện đại hóa đất nước.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, hạ tầng giao thông Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo theo hướng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực phát triển quốc gia với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại, kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững.
Chiến lược đầu tư phát triển hạ tầng giao thông bao gồm:
(1) Xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc đi qua các tỉnh, thành phố trong cả nước hoặc kết nối tới các trung tâm hành chính. Đặc biệt là đường bộ cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, các tuyến cao tốc trên các hành lang vận tải chủ yếu, cửa ngõ kết nối với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn, các tuyến cao tốc vành đai đô thị. Đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống đường bộ Việt Nam, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mê-Kông mở rộng và xuyên Á.
Tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
(2) Xây dựng lại, hiện đại hóa tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Phát triển mạng đường sắt đô thị làm nòng cốt phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
(3) Đầu tư các bến cảng trọng yếu, các trung tâm phân phối, bốc xếp hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, tạo thành mạng lưới hạ tầng giao thông logistics hiện đại, hiệu quả ngang tầm các nước trong khu vực.
(4) Hoàn thiện mạng lưới cảng hàng không trong cả nước với quy mô hiện đại; hoàn thành mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất theo quy hoạch; đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành có vai trò và quy mô ngang tầm với các cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực. Đầu tư hệ thống quản lý hoạt động bay hiện đại, bảo đảm tầm phủ của các trang thiết bị liên lạc, dẫn đường và giám sát theo yêu cầu nhiệm vụ trong toàn bộ vùng FIR của Việt Nam.
Dự án sân bay Long Thành, Đồng Nai
(5) Nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa, phát triển các hành lang đường thủy và logistics. Cơ giới hóa bốc xếp các cảng, bến thủy nội địa hiện đại.
(6) Phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại.
NGÀNH XÂY DỰNG CẦU ĐƯỜNG
Ngành Xây dựng Cầu đường là ngành chuyên về quản lý dự án, lập dự án, thiết kế, thi công, giám sát thi công, quản lý và khai thác, duy tu bảo dưỡng các công trình giao thông như: cầu, đường bộ, đường sắt, đường hầm, cao tốc, metro, sân bay, v.v…
Cầu Nhật Tân – cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực hạ tầng giao thông nói chung và ngành Cầu Đường nói riêng có quyền tự hào đóng góp công sức lớn lao trong việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
NHU CẦU VIỆC LÀM CỦA SINH VIÊN TỐT NGHIỆP NGÀNH XÂY DỰNG CẦU ĐƯỜNG
Việt Nam đang trên đà phát triển, bởi vậy, hệ thống hạ tầng giao thông cần phải được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại. Nhu cầu việc làm trong lĩnh vực Cầu đường là rất lớn.
Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Cầu Đường
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành xây dựng cầu đường có thể làm việc tại:
(1) Các cơ quan quản lý Nhà nước: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây Dựng, Uỷ bản quan lý vốn nhà nước, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, Các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông từ trung ương đến địa phương v.v…
(2) Các Chủ đầu tư là các doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong lĩnh vực cầu đường như Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam, Tập đoàn Đèo Cả, Vingroup, Sungroup v.v…
(3) Các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước.
(4) Các nhà thầu thi công trong và ngoài nước.
(5) Các tổ chức quốc tế hỗ trợ phát triển giao thông.
(6) Các đơn vị kiểm toán công trình, bảo hiểm công trình hạ tầng giao thông.
(7) Xuất khẩu lao động chất lượng cao.
(8) Nghiên cứu khoa học trong các Viện, các tổ chức và các trường đại học.