Cầu Nam Phố – Thượng Hải, Trung Quốc
Quá trình xây dựng cầu Nam Phố bắt đầu ngày 15/12/1988 và hoàn thiện ngày 1/9/1991, tức gần 3 năm. Tổng chiều dài là 8.346 m, với nhịp cầu chính bắc qua sông Hoàng Phố dài 846 m, chiều cao 46 m. Khi đó, Nam Phố là cầu dây văng đầu tiên ở Thượng Hải và cầu dài thứ tư trên thế giới.
Hai tháp hình chữ H cao 150 m nằm ở hai bên bờ sông làm cột trụ nối 22 cặp dây cáp thép xếp hình quạt và hỗ trợ chống đỡ cùng các dầm cầu chính. Thiết kế xoắn ốc bên đường dẫn ở Phố Tây nhằm giảm độ dốc mà không tốn nhiều diện tích và được đánh giá là một “kỳ quan” trong ngành xây dựng cầu đường trên thế giới.
Nút giao thông lập thể 4 tầng – California, Mỹ
Nút giao thông được xây dựng xong trong năm 1949 nhưng đến 1953 mới chính thức hoạt động. Đến 2006, nơi này được đặt lại tên thành Bill Keene nhằm tưởng nhớ phát thanh viên thời tiết nổi tiếng một thời, Bill Keene, nhưng tên gọi này ít khi được sử dụng.
Sự xuất hiện nút giao thông này đã khiến 4.000 người phải rời khỏi nơi ở và có chi phí xây dựng khoảng 5,5 triệu USD khi đó (khoảng 43,3 triệu USD vào năm 2019), trở thành đoạn cao tốc dài khoảng 800 m đắt đỏ nhất thời kỳ này.
Vòng xuyến Defence ở Dubai – UAE
Việc xây dựng bắt đầu vào quý cuối cùng của năm 2006 và hoàn thành trong năm 2012, với chi phí khoảng 168 triệu USD. Vòng xuyến này cho phép hơn 16.000 xe lưu thông mỗi giờ.
Điểm giao cắt này gồm những cây cầu với tổng chiều dài 3.000 m, một đường hầm 850 m.
Nút giao phức hợp Springfield – Virginia, Mỹ
Nút giao phức hợp Springfield nằm trên đường cao tốc liên bang Capital Beltway, hay đường I-495, còn được người dân địa phương gọi là Mixing Bowl.
Vốn được xây dựng vào những năm 1960, nhưng đến 1999, nút giao này được Sở Giao thông Virginia bắt đầu dự án tái xây dựng gồm 7 giai đoạn và trong 8 năm, cũng là một trong những dự án xây dựng đường cao tốc lớn nhất Mỹ, với chi phí 676 triệu USD.
Tháng 7/2007, nút giao hoàn thành với 50 lối lên xuống và cầu dẫn, 24 làn đường và khoảng 500.000 xe lưu thông mỗi ngày.
Nút giao cắt Kiềm Xuân – Quý Châu, Trung Quốc
Là một trong những giao lộ phức tạp nhất Trung Quốc, nút giao cắt Kiềm Xuân gồm 18 lối lên xuống với 8 hướng đi khác nhau và gồm 5 tầng. Độ cao lớn nhất là 55 m. Những khoảng trống trên mặt đất được sử dụng làm công viên. Sự phức tạp của giao lộ này được ví như ác mộng với nhiều tài xế và có thể khiến ngay cả hệ thống định vị GPS cũng nhầm lẫn.
Nút giao cắt Oyamazaki – Kyoto, Nhật Bản
Nút giao cắt Oyamazaki kết nối giữa đường cao tốc Meishin và đường Keiji. Khi đã vào giao cắt, các tài xế sẽ phải cắt qua một số đường vòng để có thể chuyển sang đúng hướng muốn đi.
Nút giao cắt Sagamihara – Kanagawa, Nhật Bản
Nút giao cắt phức tạp với sự kết hợp của các đoạn đường thẳng, đường vòng, đường hầm và trạm thu phí.
Nút giao cắt Marquette – Wisconsin, Mỹ
Vốn được xây dựng từ những năm 1960, giao lộ này được xây dựng lại hoàn toàn trong 2004-2008 và chính thức hoạt động tháng 8/2008. Với chi phí khoảng 800 triệu USD cùng hơn 4.000 công nhân, đây cũng là dự án xây dựng lớn nhất lịch sử bang Wisconsin khi đó. Mỗi ngày, khoảng 300.000 lượt xe qua đây.
Nút giao cắt Judge Harry Pregerson – California, Mỹ
Giao cắt Judge Harry Pregerson (Los Angeles, California) thông xe năm 1993 và được đặt tên theo một vị thẩm phán liên bang trong vụ kiện liên quan tới việc xây dựng cao tốc liên bang I-105. Độ cao lớn nhất là 40 m.
Nguồn: https://vnexpress.net/nhung-giao-lo-phuc-tap-nhat-the-gioi-4402445.html