Những bước cần thiết để công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học Quốc tế
- Trang chủ
- ›
- Tin tức
- › Tin tức nổi bật
- ›
- Những bước cần thiết để công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học Quốc tế
Nhằm mục đích cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến việc công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học Quốc tế, Khoa Cầu đường Trường Đại học Xây dựng xin giới thiệu đến thầy cô và các em sinh viên một số bước mà tác giả/nhóm tác giả cần thực hiện.
Bước 1: Chuẩn bị
Tác giả không nên nóng vội trong việc công bố công trình khoa học. Muốn có công bố Quốc tế, tác giả phải nhìn nhận nghiên cứu của mình có điểm gì nổi bật, tính mới thế nào và có đóng góp gì cho khoa học. Yếu tố mới của nghiên cứu là tiêu chí tiên quyết để được chấp thuận đăng bài.
Sau khi chắc chắn công trình có tính mới và có những đóng góp nhất định cho lĩnh vực nghiên cứu, tác giả/nhóm tác giả cần phác họa những ý chính và lên khung cho bản thảo. Trước khi đi vào viết chi tiết, tác giả cần trả lời cho những câu hỏi như: Mục tiêu, câu chuyện mà công trình nghiên cứu muốn truyền tải là gì? Đối tượng của bài báo là ai, trình độ của họ như thế nào? Công trình nghiên cứu có những phát hiện quan trọng gì, v.v…? Sau khi làm rõ được các câu hỏi trên, tác giả mới nên bắt tay vào viết chi tiết. Lưu ý là bài báo khoa học cần được trình bày cô đọng, rõ ràng, và logic.
Sau khi hoàn thành bản thảo, tác giả nên gửi nó tới đồng nghiệp và bạn bè trong cùng lĩnh vực nghiên cứu để xin ý kiến. Việc xin ý kiến và tiếp thu ý kiến từ các nhà khoa học khác sẽ giúp tác giả nhận ra những khiếm khuyết, điểm hạn chế của bài báo, từ đó cải thiện được chất lượng bản thảo trước khi nộp.
Bước 2: Chọn tạp chí phù hợp và gửi bản thảo
Chọn tạp chí phù hợp với nội dung bài viết sẽ cải thiện đáng kể khả năng bài báo được chấp thuận. Tác giả nên tham khảo ý kiến từ đồng nghiệp, hoặc giáo sư hướng dẫn (trong trường hợp tác giả là sinh viên, nghiên cứu sinh) để chọn được danh sách các tạp chí phù hợp, sau đó chọn một tạp chí phù hợp nhất để gửi bản thảo.
Trong quá trình lựa chon tạp chí, tác giả nên tìm kiếm những tạp chí được những người quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu đọc nhiều. Ngoài ra tác giả cũng nên chọn những tạp chí có hệ số ảnh hưởng (Impact Factor (IF)) phù hợp với tầm ảnh hưởng của đề tài nghiên cứu. Lưu ý đặc biệt là tác giả tuyệt đối không được gửi một bản thảo cho nhiều tạp chí cùng một lúc. Điều đó có nghĩa là tại một thời điểm, tác giả chỉ được gửi bản thảo của mình cho một tạp chí duy nhất. Nếu không tuân thủ, tác giả đã vi phạm những vấn đề về đạo đức nghề nghiệp được quy định rất rõ trong mỗi tạp chí, đồng thời sẽ gặp phải những vấn đề rắc rối về vấn đề bản quyền sau này.
Sau khi lựa chon được tạp chí để gửi bản thảo, tác giả cần đọc rõ các yêu cầu từ tạp chí như các tài liệu cần phải nộp cùng với bản thảo; định dạng về format; hình vẽ; bảng biểu, v.v…để đáp ứng phù hợp. Tránh trường hợp bị từ chối ngay sau khi nộp.
Bước 3: Xét duyệt
Sau khi “submit” bản thảo, tổng biên tập (editor-in-chief) sẽ đánh giá về nội dung, chất lượng của bản thảo, xem công trình nghiên cứu có phù hợp với yêu cầu, tiêu chí của tạp chí hay không. Sau khi xem xét, tổng biên tập sẽ đưa ra quyết định: (1) từ chối bản thảo do không đáp ứng được yêu cầu hay không phù hợp với tiêu chí của tạp chí; (2) gửi bản thảo đến các chuyên gia trong cùng lĩnh vực (reviewer) để lấy ý kiến phản biện. Trong trường hợp 2, tùy vào yêu cầu từ tạp chí, đặc thù của lĩnh vực nghiên cứu hay tính cần thiết, tổng biên tập sẽ mời từ 2 đến 5 chuyên gia trong lĩnh vực để phản biện cho bài báo. Quá trình này là quá trình phản biện kín, tác giả không biết ai được phân công phản biện cho nghiên cứu của mình. Đây là khâu quan trọng, thường được coi là khó khăn nhất, quyết định bài báo có được chấp thuận đăng hay không. Thời gian phản biện thông thường từ 1 đến 3 tháng, nhưng cũng có thể lâu hơn.
Bước 4: Giải trình phản biện và sửa chữa
Sau khi nhận ý kiến phản biện từ các reviewer, tổng biên tập sẽ quyết định: (1) Chấp thuận đăng bản thảo (không yêu cầu sửa chữa); (2) Từ chối bản thảo; (3) Yêu cầu tác giả sửa chữa, hoàn chỉnh bản thảo theo ý kiến phản biện. Thông thường, được chấp thuận đăng bản thảo ngay từ lần nộp đầu tiên (trường hợp 1) chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (5-10%). Còn lại, sẽ rơi vào trường hợp (2) và (3).
Trường hợp bị từ chối, tác giả cần xem lại toàn bộ bài viết, từ cách đặt tiêu đề, đề mục đến nội dung chính. Ngoài ra ý kiến của tạp chí và các reviewer cũng là những đóng góp quan trọng để tác giả để cải thiện bản thảo và nộp lại đến một tạp chí khác hoặc chính tạp chí vừa từ chối đăng bài.
Trường hợp được yêu cầu chỉnh sửa, tác giả nên phân loại ý kiến của người phản biện, theo tính khách quan và chủ quan. Tác giả nên đồng ý với yêu cầu khách quan giúp nâng cao chất lượng bản thảo. Còn những yêu cầu mang tính chủ quan hoặc làm phức tạp, phân tích mà không thay đổi kết luận thì tác giả có thể từ chối nhưng phải giải trình một cách hợp lý, cụ thể và chi tiết trong thư phản hồi. Nội dung trả lời phản biện sẽ bao gồm 2 phần chính: Phần 1 là bản thảo bài báo sau khi đã sửa; Phần 2 là thư trả lời chi tiết các nhận xét phản biện. Ngoài ra, tác giả cũng nên gửi kèm một “cover letter” trong đó tóm tắt nội dung đã chính đã sửa trong bài báo.
Trong trường hợp tạp chí và các phản biện đều đồng ý với các câu trả lời từ tác giả thì bản thảo sẽ được chấp thuận đăng. Ngược lại, nếu chưa có sự thống nhất, tác giả sẽ phải sửa chữa, giải trình đến khi có sự thống nhất. Thông thường, phía tạp chí sẽ cho tác giả từ 1 đến 2 tháng để trả lời các câu hỏi ở mỗi vòng phản biện. Nếu không có sự đồng thuận giữa tạp chí, phản biện và tác giả, bài báo vẫn có thể bị từ chối tại bước này.
Bước 5: Quảng bá
Sau khi bài báo được xuất bản, tác giả cũng cần quảng bá nghiên cứu của mình đến bạn bè, giới nghiên cứu trong cùng lĩnh vực. Tác giả nên gửi email và kèm bản “soft-copy” của bài báo đến đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu trong cùng “network”. Quảng bá nghiên cứu của mình trên các trang mạng xã hội nói chung (Facebook, Twitter…) và các network hẹp liên quan đến công việc và khoa học (Linkedln, Researchgate…) cũng là một giải pháp hữu hiệu.
Khoa Cầu đường – trường Đại học Xây dựng