Tuyển Sinh 2021 – Chuyên Ngành Đào Tạo Mới: Quản lý hạ tầng, đất đai đô thị
- Trang chủ
- ›
- Tin tức
- › Tin tức nổi bật
- ›
- Tuyển Sinh 2021 – Chuyên Ngành Đào Tạo Mới: Quản lý hạ tầng, đất đai đô thị
GIỚI THIỆU CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO MỚI
Tên chuyên ngành: Quản lý hạ tầng, đất đai đô thị, thuộc ngành: Quản lý xây dựng
Mã chuyên ngành đào tạo: 7580302-03
Trình độ đào tạo: Đại học
Cấp bằng: Cử nhân
Số tín chỉ tích lũy: 130
Thời gian đào tạo: 4 năm
Tuyển sinh từ năm: 2021; quy mô tuyển sinh: 50-100 sinh viên/năm
Mã tuyển sinh: XDA29
Khối xét tuyển: A00, A01; D07
1. GIỚI THIỆU CHUNG
Cùng với sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông, việc đô thị hóa với tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam đã đạt 40% vào cuối năm 2020. Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp. Với tốc độ phát triển như vậy đô thị Việt Nam cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức như mô hình tăng trưởng của các đô thị chưa đa dạng; tăng trưởng thiếu bền vững, phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên; năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế. Diện tích đô thị mở rộng nhanh, kéo theo tình trạng sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả; năng lực hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế, năng lực và tư duy quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, giao thông đô thị tăng nhanh, ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Tại Việt Nam hiện nay, các trường đại học đào tạo cử nhân, kỹ sư chất lượng chưa đồng đều, đặc biệt là đào tạo mang tính riêng lẻ, đơn ngành. Chưa có một cơ sở nào thực sự đào tạo theo hướng tích hợp các lớp hạ tầng kỹ thuật gắn với việc sử dụng đất trong các khu đô thị như xu thế hiện nay trên thế giới. Với bề dày truyền thống đào tạo chuyên môn trong từng lĩnh vực quản lý hạ tầng, đất đai đô thị luôn được xã hội đánh giá cao, cùng với sự sáng tạo tiên phong trong việc xây dựng một chương trình đào tạo theo xu hướng tích hợp, Trường Đại học Xây dựng hội tụ đủ nguồn lực về đội ngũ giảng viên, cơ sở hạ tầng để có thể hình thành, phát triển và đào tạo chuyên ngành Quản lý hạ tầng, đất đai đô thị theo định hướng phát triển của nhà trường, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội, tốc độ đô thị hoá cũng như sự phát kinh tế đất nước trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.
2. CHUẨN ĐẦU RA
2.1. Chuẩn đầu ra về Kiến thức
Sinh viên sau khi theo học chương trình đào tạo (CTĐT) chuyên ngành Quản lý hạ tầng, đất đai đô thị ở trình độ cử nhân sẽ được cấp bằng cử nhân kỹ thuật. Người học sẽ có năng lực phù hợp với các chuẩn đầu ra, cụ thể như sau:
– Hiểu biết sâu rộng về các vấn đề chuyên môn được đào tạo và ứng dụng nó vào thực tiễn sản xuất;
– Có kiến thức tổng hợp về pháp luật, quản lý nhà nước, chính sách, bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực quản lý tích hợp hạ tầng, đất đai đô thị;
– Hiểu và vận dụng tốt được các kiến thức về quản lý trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng các dự án về phát triển hạ tầng đô thị có xét đến sử dụng đất;
– Vận dụng các kiến thức đã học vào công tác quản lý vận hành các dự án hạ tầng đô thị;
– Vận dụng các kiến thức được học vào quản lý sử dụng đất nói chung và khi phát triển các dự án hạ tầng, giao thông đô thị nói riêng;
2.2. Chuẩn đầu ra về Kỹ năng
a) Kỹ năng chuyên môn:
– Có khả năng quản lý, tổ chức và điều hành các dự án phát triển đô thị trong lĩnh vực hạ tầng, đất đai đô thị;
– Có kỹ năng phát hiện vấn đề, phân tích và giải quyết các bài toán trong lĩnh vực quản lý đô thị nói chung cũng như cho từng lĩnh vực quản lý hạ tầng, đất đai và đô thị nói riêng;
– Có khả năng chủ trì thực hiện các đồ án thiết kế, đề tài khoa học trong các dự án tích hợp liên quan đến phát triển hạ tầng đô thị có xét đến sử dụng đất;
– Có khả năng hình thành ý tưởng, tham gia thiết kế, thực hiện khai thác vận hành của một dự án phát triển đô thị;
– Có kỹ năng xây dựng mô hình quản lý, sử dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý đô thị tích hợp các hệ thống hạ tầng, đất đai.
b) Kỹ năng bổ trợ:
– Có kỹ năng tổng hợp thông tin, viết các báo cáo, đề xuất, thuyết trình;
– Có kỹ năng tổ chức nhóm, quản lý nhóm và làm việc theo nhóm;
– Có kỹ năng đàm phán, trao đổi chuyên môn với đối tác;
– Có kỹ năng ngoại ngữ ở mức có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn;…
3. QUY TRÌNH ĐÀO TẠO, ĐIỀU KIỆN TỐT NGHIỆP
Quy trình đào tạo và điều kiện tốt nghiệp được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/08/2007 về Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ và Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT ban hành ngày 27/12/2012 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ.
Sinh viên thực hiện quá trình học tập được thiết kế theo dạng khóa học, năm học và học kì.
Thời gian thiết kế tiêu chuẩn với sinh viên là 4 năm, tương ứng với 8 học kì.
4. CƠ HỘI NHẬN HỌC BỔNG VÀ HỖ TRỢ HỌC TẬP
– Sinh viên chuyên ngành Quản lý hạ tầng, đất đai đô thị có nhiều cơ hội đạt được các học bổng từ các cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện đang nhận hỗ trợ cho sinh viên Khoa Cầu Đường và Khoa Kinh tế & Quản lý xây dựng, Trường Đại học Xây dựng;
– Được các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực quản lý xây dựng, quản lý đô thị, hạ tầng đô thị, giao thông vận tải đô thị, đất đai đô thị, … hỗ trợ thực tập và tiếp nhận làm việc nếu quá trình thực tập được đánh giá tốt;
– Được cấp học bổng đi học tập trao đổi sinh viên quốc tế trong quá trình học tập;
– Được xét cấp học bổng học tiếp ở bậc liên thông Kỹ sư hay học tiếp bậc Sau đại học Trường Đại học Xây dựng sau khi tốt nghiệp cử nhân.
5. CƠ HỘI VIỆC LÀM SAU KHI TỐT NGHIỆP
Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân kỹ thuật chuyên ngành Quản lý hạ tầng, đất đai đô thị có thể đảm nhiệm:
– Các công tác tại các cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý khai thác trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, đất đai đô thị như: các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng; các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải; các Ban quản lý dự án, các Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải các tỉnh thành trong cả nước; các Phòng kế hoạch, phòng quản lý đất đai trực thuộc các Sở, Ban, Ngành;
– Các cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật tại các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực hạ tầng, đất đai đô thị;
– Cán bộ giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo và quản lý có đào tạo các ngành về quản lý xây dựng, hạ tầng, kỹ thuật xây dựng, giao thông, quy hoạch;
– Vị trí chuyên gia tư vấn, giám sát, thanh tra, kiểm tra các dự án về hạ tầng, các dự án về phát triển giao thông có xét đến sử dụng đất trong đô thị;
– Vị trí quản lý tại các doanh nghiệp kinh doanh phát triển hạ tầng đô thị.
6. CƠ HỘI HỌC LIÊN THÔNG VÀ HỌC TẬP BẬC SAU ĐẠI HỌC
– Có thể học liên thông lên hệ Kỹ sư của Trường Đại học Xây dựng;
– Có thể học song bằng, bằng 2 chính quy các ngành/chuyên ngành khác tại Trường hoặc các trường khối trường có ngành đào tạo tương đương.
– Có thể học sau đại học hầu hết các ngành/chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực Quản lý xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông và đất đai đô thị tại Trường Đại học Xây dựng cũng như các trường đại học trong và ngoài nước.
– Có nhiều cơ hội đi du học theo chương trình hợp tác đào tạo của Trường Đại học Xây dựng nhằm học tập nâng cao trình độ chuyên môn ở bậc sau đại học trong và ngoài nước.
7. THÔNG TIN LIÊN HỆ
KHOA CẦU ĐƯỜNG
Phòng 113 nhà A1 – Trường Đại học Xây dựng
Số 55 Giải Phóng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (024) 3869 3575
Email: cauduong@huce.edu.vn
Website: cauduong.huce.edu.vn