Logistics đô thị – chuyên ngành đào tạo mới của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Đánh giá

Cần nhấn mạnh rằng, ngành logistics là một ngành kinh tế dịch vụ quan trọng mang tính hệ thống , liên quan đế nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội khác nhau. Trên quan điểm học thuật, trước hết Logistics là ngành khoa học dịch vụ, bởi vậy kiến thức dịch vụ công-tư đều được coi trọng; thứ hai, ngành Logistics liên quan trực tiếp đến nhiều hoạt động : từ hoạt động kỹ thuật như quy hoạch không gian vị trí đầu mối hạ tầng nhà ga, bến cảng, kho bãi, trung tâm thương mại, giao thông vận tải… đến tìm nguồn cung, quá trình sản xuất, phân phối, buôn bán sản phẩm , do đó có thể xem Logistics như ngành lai (kinh tế-kỹ thuật-xã hội).

Toàn bộ những hoạt động trong chuỗi Logistics cần được sự hỗ trợ của các  thủ tục dịch vụ hành chính, các nhà tư vấn như: hải quan, thuế, bảo hiểm, nền tảng công nghệ ứng dụng…và đặc biệt Logistics  liên quan đến nhiều bộ ngành như: Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Công nghệ thông tin, Lao động… Nói điều này để thấy được vai trò và giá trị của ngành Logistics và dư địa phát triển, tiềm năng phát triển của nó là cơ hội cho việc đào tạo nguồn nhân lực của ngành. Tuy vậy, điều này cũng đặt ra không ít thách thức cho chúng ta. Một ví dụ, ngày 4-6-2024, trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội nước ta, Bộ trưởng Bộ Công thương trình bầy:“… thương mại điện tử ở nước ta hiện nay phải đối mặt 3 thách thức rất lớn. Đó là, người tiêu dùng phải đối mặt với việc mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn chưa được kiểm soát chặt chẽ;  việc thất thu thuế…”. Rõ ràng, đây chỉ là một hoạt động nhỏ nằm trong chuỗi Logistics cung ứng hàng hóa nhưng đã đặt ra cho nhiều bên có liên quan cần cùng tham gia giải quyết.

Logistics là một ngành dịch vụ đặc biệt, giao thoa và liên quan đến nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân

Hiện nay chúng ta đã quen Logistics và chuỗi cung ứng hàng hóa, đây là chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho đến khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng hoặc sử dụng. Bên cạnh đó, có thể xã hội chưa quen với một loại hình cung cấp dịch vụ đi lại của con người. Thực tế, có thể thấy dịch vụ này , có một dịch vụ phân khúc nhỏ đang hoạt động nhiều ở nước ta có tên: Grab, Bee, Vinfast, MiniBus… vừa để đáp ứng đi lại hàng ngày và chuyển giao hàng đến tay người dùng trong đô thị hoặc từ đô thị đi các nơi với nhiều mục đích khác nhau. Hoạt động dịch vụ đi lại có từ xa xưa, nhưng nghiên cứu nó như là một chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh Logistics thì mới chỉ  hơn chục năm lại đây nhờ đòn bẩy từ ứng dụng công nghệ mới nổi, thay đổi tư duy phục vụ con người và những thách thức từ môi trường đô thị. Logistics đô thị bao gồm cả hai hoạt động dịch vụ cung cấp hàng hóa và và dịch vụ cung cấp đi lại trong đô thị. Hai loại hình dịch vụ cung cấp hàng hóa và cung cấp chuyến đi (khả năng di chuyển) cho hành khách đều có tất cả những điểm chung của chuỗi dịch vụ cung cầu, mà khách hàng được là người tiêu dùng hoặc sử dụng; mọi tiêu chí dịch vụ hầu như không khác nhau; sự khác biệt là sản phẩm: một hình thức cung ứng sản phẩm là hàng hóa còn một hình thức kia sản phầm là chuyến đi. Cũng dễ nhận ra, dịch vụ di chuyển hành khách là một phân khúc của là ngành dịch vụ du lịch. Nhưng chúng ta hiểu phương diện logistics hành khách là một hoạt động độc lập thông qua diễn giải sau đây: i/ Thị trường cung cấp nhu cầu đi lại của đô thị vô cùng lớn, khách hàng được cung cấp là người sử dụng chuyến đi; ii/ Nhu cầu dịch vụ là hành vi của người dân đô thị, nguồn sản sinh nhu cầu (ví như sản xuất sản phẩm trong chuỗi cung cấp hàng hóa) được phân bố rộng khắp –nơi có hoạt động của con người, nhưng nguồn nhu cầu cao thì tập trung ở các nơi có mật độ dân cư cao; iii/ Dịch vụ di chuyển cũng được đáp ứng từ cửa đến cửa, thanh toán một lần bằng các doanh nghiệp công hay tư, cấu trúc thành phần được tổ chức tương tự như logistics hàng hóa ; iv/ Phương tiện để di chuyển trong Logistics đi lại là chuỗi đa phương thức để người dân tự chọn tổ hợp phù hợp với họ. Mô hình hoạt động này đang được nghiên cứu và sử dụng nhiều ở EU, Singapore, Nhật có tên gọi di chuyển là một dịch vụ (MaaS). Dẫn hướng cho hoạt động này là sự chuyển đổi chiến lược và mô hình từ Nhà nước; điển hình là chuyển đổi số, chuyển đổi chiến lược quy hoạch giao thông truyền thống sang mô hình chiến lược quy hoạch di chuyển.

Ở nước ta việc đào tạo đại học ngành Logistics và chuỗi cung ứng mới chỉ khoảng chục năm trở lại đây. Thực tiễn hoạt động của ngành cũng còn khá mới mẻ. Vì vậy, mặc dù nhiều chi phí ngoài của Logistics như chi phí cho ùn tắc và tai nạn giao thông, chi phí do ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân đô thị… chưa được tính đủ mà chi phí cho dịch vụ logistics ở nước ta vẫn còn cao hơn nhiều so với các nước ở khu vực. Chi phí Logistics cao có thể ở trong nhiều hoạt động dịch vụ khác nhau.

Muốn cải thiện dịch vụ cần có con người-có kiến thức toàn diện được đào tạo từ các cơ sở có khả năng đáp ứng. Đặc biệt, dịch vụ này ở trong môi trường đô thị – Dịch vụ Logistics đô thị. Có thể diễn giải nội dung này như sau: i/ Cần có thêm nhiều kiến thức về quy hoạch và thiết kế không gian Logistics như: Nơi sản xuất, Trung tâm logistics, nhà kho, trung tâm thương mại, chuỗi bán hàng… được bố trí ở vị trí nào, tích hợp hoạt động, khai thác như thế nào để hiệu quả …đòi hỏi không chỉ là nỗ lực của khối doanh nghiệp tư nhân chủ yếu tập trung vào dịch vụ thương mại và giao thông đã ấn định mà còn rất cần đến các dịch vụ có khả năng tối ưu hóa về bài toán không gian vị trí hạ tầng đô thị, tối ưu hóa đường đi xét đủ các chi phí. Có thể dễ nhận ra , nếu không có sự dẫn hướng của các cơ quan quản lý công trong xây dựng chính sách , quy hoạch và chiến lược trong đô thị thì Logistics đô thị không thể phát triển được. ii/ Tăng cường cung cấp khối kiến thức của cách mạng công nghệ 4.0 cho người học như : Công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo, thông tin địa lý, dữ liệu lớn, tự động hóa trong mọi hoạt động…Nếu thiếu những kiến thức này không thể mang lại những kết quả mong muốn của các doanh nghiệp trong chuỗi logistics và mục tiêu chuyển đổi số mà Chính phủ đặt ra cho đất nước không thể đạt được. iii/ Đô thị hóa ở nước ta hay trên phạm vi toàn cầu là con đường tất yếu để phát triển. Nhưng đô thị hóa cũng đặt ra không ít thách thức như mật độ dân số gia tăng, mọi nhu cầu người dân đô thị rất lớn, nguồn tài nguyên không tái tạo như đất đai, nhiên liệu từ hóa thạch sẽ cạn kiệt , thiên tai luôn đe dọa bởi biến đổi khí hâu. Giải quyết những thách thức này là vấn đề của toàn xã hội, từ cá thể đến khu vực, từ quốc gia đến toàn cầu. Trong đó, những hoạt động của Logistics đô thị liên quan trực tiếp đến yếu tố nói trên như sử dụng đất đai hạ tầng, sử dụng phương tiện sản xuất và giao thông, sử dụng nhiên liệu và tiêu dùng ăn uống… đều có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho hiện tại và tương lai. Vì vậy, ngoài các hoạt động về kinh tế kỹ thuật thì vai trò của chính trị là rất quan trọng. Đó là các chính sách định hướng chuyển đổi: không chỉ chuyển đổi mô hình kinh tế, công nghệ mà còn chuyển đổi mô văn hóa mới, nền tảng giáo dục… Một lần nữa chúng ta nhận ra vai trò của quản lý công vừa dẫn hướng vừa là trung tâm liên kết các hoạt động của toàn xã hội. iv/ Và giải thích cuối cùng, thực tế hiện nay ở nước ta, dù một số hoạt động Logistics đô thị đã và đang tồn tại nhưng lại chưa được biết đến như là ngành, một lĩnh vực hoạt động dưới mô hình khoa học và bài bản. Một số hoạt động cung cấp dịch vụ chỉ có ở khối tư nhân tự phát, như: sàn giao dịch điện tử, các doanh nghiệp dịch vụ giao thông vận tải công nghệ … Do vậy, khó có thể đòi hỏi để Logistics đô thị hoạt động đa dạng và đủ khả năng giải quyết các yêu cầu mong muốn. Tuy nhiên, nếu nhìn đây là mặt trái đang tồn tại, thì khi suy nghĩ tích cực, đây lại là thị trường, là lĩnh vực đầy tiềm năng và cơ hội để phát triển Logistics đô thị. Một số nội dung vừa trình bầy trên đây phần nào chúng ta đã lý giải vấn đề được nêu ra: tại sao cần sớm đào tạo một ngành Logistics đô thị.

Thuật ngữ Logistics đang được dùng phổ biến hiện nay đã được xác nhận chính thức trong điều 233 của Luật thương mại 2005 của nước ta : “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”. Trong Luật này cũng chưa đề cập đến loại hình dịch vụ Logistics đô thị thì hiển nhiên xã hội còn ít biết đến nó, là chuyện bình thường. Câu trả lời Logistics đô thị là gì phần nào đã trình bầy ở trên. Các nội dung dưới đây vừa khái quát và vừa phân tích thêm một số nội dung Logistics đô thị ở các góc độ khác nhau.

Trước hết để tìm hiểu khái niệm chúng tôi muốn được người đọc chia sẻ suy nghĩ của mình. Đó là, nhiều ý kiến của các nhà khoa học và chuyên gia cùng cho rằng, dù cho đã có khá nhiều khái niệm hay định nghĩa đã được đề xuất về Logicstics nói chung và Logistics đô thị nói riêng nhưng không có định nghĩa nào hoàn toàn thỏa đáng với nhiều người. Điều này dễ hiểu bởi thuật ngữ này có nhiều nghĩa khác nhau tùy theo bối cảnh mà nó được sử dụng. Do đó, chúng tôi chọn và dẫn chỉ ba thuật ngữ “Logistics đô thị”, dưới bối cảnh sử dụng hiện hành và xu thế phát triển, là muốn để vận dụng vào xây dựng chương trình đào tạo ngành và giới thiệu cùng bạn đọc:

            -“ Logistics đô thị là quá trình tối ưu hóa hoàn toàn các hoạt động logistics và vận tải của các công ty tư nhân ở khu vực thành thị, đồng thời xem xét giao thông về  tắc nghẽn, tiêu thụ năng lượng và ảnh hưởng môi trường trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường tự do” . Dễ dàng nhận ra, khái niệm này của các Tác giả đã cho thấy Logistics đô thị khác với logistics thông thường là phạm vi địa lý, là mức độ “tối ưu hóa” quá trình logistics được yêu cầu rất cao và thêm vào đó là nhấn mạnh đến quan hệ với giao thông đô thị và chưa nhận ra hoạt động của Logistics đô thị có bao gồm phương diện cung cấp dịch vụ đi lại không.

“Logistics thành phố là giải pháp cho phép phân phối hàng hóa trong khu vực đô thị, là chiến lược có thể cải thiện hiệu quả của nó đồng thời giảm thiểu các tác động bên ngoài như tắc nghẽn và khí thải. Nó liên quan đến việc quản lý sự di chuyển của hàng hóa đô thị và cung cấp những phản ứng sáng tạo cho nhu cầu của khách hàng”.

– “Logistics thành phố là khái niệm hoặc quá trình quản lý và tối ưu hóa vận tải hàng hóa, hành khách và tất cả các hoạt động vận tải đô thị khác có tính đến tác động của những hoạt động đó đối với môi trường, xã hội và hoạt động kinh tế của thành phố cụ thể đó” . Ở đây, khái niệm Logistics đô thị đã mở rộng hơn về nội hàm. Đó là, đề cập đến giải pháp quản lý vào quá trình logistics,được hiểu là, không chỉ là quản lý của tư nhân mà còn là quản lý công của Nhà nước, đồng thời xác nhận vận chuyển hành khách là một nội dung dịch vụ trong Logistics đô thị. Có thể ở nước ta ngành Logistics đô thị còn mới, thì cung cấp dịch vụ đi lại còn mới hơn. Nhưng, nếu nhìn vào nghiên cứu chuyển đổi giao thông ở nhiều nước đặc biệt là châu Âu thì lĩnh vực này có đầy đủ trong chiến lược phát triển của họ đến 2030.

Vậy thì nên gọi tên “Logistics đô thị hay Logistics thành phố”?. Về phía mình, các tác giả bài viết có suy nghĩ là:  Ở nước ta hay ở nước ngoài, khái niệm “đô thị” (Urban) và “thành phố” (City) trong học thuật không quá coi trọng phân biệt rạch ròi. Ở nước ta, quy định trong các văn bản pháp lý thì “đô thị” là khái niệm để chỉ các khu vực khác nhau như: thành phố, thị xã, thị trấn. Các đơn vị này được phân loại theo một số tiêu chí tối thiểu về quy mô và đặc trưng phục vụ trong công tác quản lý. Tuy nhiên, thực tế cũng không câu nệ về quy mô , chẳng hạn nhiều khu vực đô thị có diện tích nhỏ người ta vẫn đặt với cái tên “thành phố” (Time City, FLC Garden City , Hanoi Creative City…);  ở góc độ này thuật ngữ “thành phố như là “biểu tượng về mức độ hiện đại, văm minh, đô thị hóa cao…”. Mặt khác, ở nước ta hay thế giới, người ta dùng thuật ngữ “đô thị hóa” mà không phải là “ thành phố hóa”, “môi trường đô thị” mà không phải là “môi trường thành phố”. Vậy nên, theo chúng tôi khi sử dụng cho những khái niệm chung mang tính bao hàm thì nên dùng thuật ngữ “Đô thị”. Ngoài ra, đối với lĩnh vực Logistics còn phản ánh một chuỗi dịch vụ cung ứng có các hoạt động liên quan đến không gian địa lý từ thành phố ra ngoài thành phố. Ví dụ: Sân bay, bến cảng, trung tâm phân phối, nơi sản xuất… tuy có vị trí nằm ngoài thành phố, nhưng chúng luôn hướng vào thành phố để phục vụ. Vì vậy, theo ý kiến của các tác giả bài báo sử dụng thuật ngữ tiếng Việt phù hợp là, “Logistics đô thị”.

Để nói thêm về đặc trưng của lĩnh vực Logistics đô thị, nên hiểu ngành Logistics đang phổ biến hiện hành ở nước ta và Logistics đô thị là hai loại hình cùng một họ “Dịch vụ Logistics”; do đó, một số kiến thức nền tảng và vận hành thực tế là tương đồng. Trong dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng bao gồm nhiều hoạt động dịch vụ thành phần vì có thể xem là phân khúc của nó như : Logistics giao thông, Logistics công nghiệp, Logistics mua sắm, Logistics kho bãi, Logistics thông tin… Các nhánh dịch vụ thành phần này là cơ sở hình thành ra các tổ chức doanh nghiệp logistics thành phần 1PL, 2PL,3PL… Dễ nhận thấy, Logistics đô thị không phải là phân khúc của Logistics và Chuỗi cung ứng bởi một số nội dung trình bầy ở trên và thêm một lần nhấn mạnh Logistics đô thị là một lĩnh vực hoạt động đòi hỏi tiếp cận toàn diện, tích hợp liên ngành, liên lĩnh vực để đáp ứng cả nhu cầu sử dụng hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân đô thị. Nhờ cách tiếp cận đặc biệt này mà Logistics đô thị không chỉ mang lại lợi ích cho khối doanh nghiệp, các đối tác tư nhân mà còn mang lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ và tất cả cộng đồng thông qua giảm ùn tắc giao thông, giảm thời gian lưu kho, giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, sử dụng có hiệu quả tài nguyên không tái tạo. Tất nhiên, để có đầy đủ ý nghĩa của mình, Logisctics đô thị càng không thể thiếu môi trường pháp lý hoạt động, trong đó mong muốn có chính sách hỗ trợ vừa thích hợp với thực tế vừa là xu thế phát triển. Ví dụ: Cần lồng ghép Logistics đô thị vào nội dung các chiến lược quy hoạch phát triển đô thị, chiến lược quy hoạch giao thông vận tải sẽ tránh nhiều rủi ro do đầu tư hạ tầng đô thị không đúng, không trúng.

Có thể hiểu rằng Logistics đô thị là chặng cuối của logistics và chuỗi cung ứng có được không? Về tổng thể, nội hàm của Logistics đô thị không phải là phân phúc của chuỗi Logisctics thông thường như chúng ta đang biết, nhưng khi xét bối cảnh địa kinh tế, địa giao thông toàn cầu thì câu trả lời là có thể xem Logistics đô thị là chặng cuối. Bởi vị trí địa lý, quy mô của thành phố cũng chỉ là một điểm cuối, một trung tâm đầu mối đa chức năng mà thôi.

Cấu trúc hệ thống Logistics đô thị

Có thể diễn tả vai trò và chức năng của Logistics đô thị như sau:

Ngoài hai chức năng của Dich vụ logistics thông thường như đã biết là:

  • Hỗ trợ quá trình sản xuất và phân phối lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đến tận tay người tiêu dùng sản phẩm cuối cùng trong khu vực đô thị.
  • Gắn hoạt động sản xuất với thị trường đô thị, và gắn nền kinh tế nội địa với nền kinh tế quốc tế mà thành phố là một trung tâm đầu mối đa chức năng.

Logistics đô thị còn hai chức năng khác là :

  • Hỗ trợ đáp ứng nhu cầu đi lại theo sự lựa chọn của người dân trong nội đô, từ đô thị ra ngoài hoặc từ ngoài vào đô thị để họ có khả năng tiếp cậnnhiều mục đích khác nhau. Đặc biệt dịch vụ này có thể đáp ứng với mọi người dân từ cửa đến cửa, chỉ thanh toán một lần bằng mạng lưới hạ tầng giao thông đa phương thức và nền tảng dịch vụ công nghệ số, thời gian thực.
  • Là dịch vụ cung cấp không chỉ đáp ứng cho nhu cầu người dân mà còn để góp phần thực hiện mục tiêu đô thị thông minh, đô thị đáng sống và đô thị bền vững.

Để thực hiện vai trò và chức năng thì Logistics đô thị hình thành các nhóm dịch vụ chính dưới  đây:

  • Dịch vụ di chuyển người và hàng hóa: Mục tiêu đạt được là tối ưu hóa di chuyển người và hàng hóa dưới điều kiện bảo đảm cân bằng đa mục tiêu và chia sẻ lợi ích bằng hệ thống đa phương thức, liên phương thức từ cửa đến cửa. Mục tiêu này do các công ty GTVT tư nhân và đặc biệt các ty đối tác công tư (PPP) đảm nhiệm.
  • Dịch vụ tại các trạm đầu mối, trạm cuối và hệ thống kho bãi: Tại nơi này bảo đảm cung cấp để hành khách có tiện ích khách hàng tốt nhất khi chuyển tiếp, còn hàng hóa được phân loại lưu kho bảo quản tốt nhất, lấy hàng vào, ra được tự động hóa nhiều nhất, thủ tục đơn giản nhất. Hệ thống hạ tầng này là một trong hai thành phần cấu trúc tạo nên mạng lưới hạ tầng vật lý (tuyến và nút). Hệ thống nút được phân phân loại theo tầng cấp. Quy mô lớn nhất, tổng hợp nhất là các cảng (hàng không, biển ) quốc tế… quy mô nhỏ nhất là kho bãi cung cấp trực tiếp phục vụ điểm nhận (người sử dụng sản phẩm), hoặc kho của các điểm bán lẻ. Có thể nhận ra mô hình dịch vụ tại các nơi này là Nhà nước quản lý (thủ tục xuất nhập), cấp quốc gia, quốc tế,… hoặc là tài sản của các cá thể tư nhân, và hình thức PPP là hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ tư vấn và công nghệ ICT: Để quản lý dòng hàng hóa, dòng hành khách và tối ưu mạng lưới cung-cầu cần có tư vấn về quy hoạch không gian và Quy hoạch thiết kế vận hành; để quản lý dòng thông tin trong quá trình lưu thông cần có công ty dịch vụ phần mềm và nền tảng hạ tầng công nghệ ICT. Lĩnh vực ứng dụng công nghệ này không chỉ là tất yếu đối với ngành Logistics đô thị mà yêu cầu ngày càng cao trong việc chăm sóc khách hàng, chẳng hạn, khách hàng phải được biết lúc thời gian thực hàng của họ, hành khách của họ đang ở đâu? Trạng thái nào?… Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của Chính phủ, cần xem xét chuyển đổi mô hình ở mọi hoạt động và có khả năng linh hoạt tích hợp cao. Ví dụ: Khó có thể giảm được ùn tắc giao thông khi chỉ có khối doanh nghiệp thay đổi công nghệ như Grab, Vinfast, Bee, VinBus… mà cần có sự dẫn dắt và hỗ trợ song hành từ phía Nhà nước như: chuyển đổi mô hình văn hóa, mô hình quản lý giao thông, mô hình quy hoạch không gian đô thị, nền tảng hạ tầng số… để tạo ra môi trường pháp lý, khung môi trường tích hợp từ nhiều phía.
  • Dịch vụ giao nhận: Trong chuỗi, loại dịch vụ này được thực hiện ở nơi cung ứng đầu tiên hoặc tiếp nhận cuối cùng-người sử dụng hoặc tiêu dùng. Lúc này, vận dụng những nguyên lí Logistics chặng cuối để kết thúc quá trình chuỗi như mong đợi. Tuy nhiên, trong chuỗi logistics phân phối đa tầng, giao thông đa phương thức thì trạm trung chuyển mới là phức tạp và dễ rủi ro, đặc biệt là các trạm có quy mô là trung tâm của một khu vực rộng. Quy trình hoạt động của các trạm này tùy thuộc vào chức năng và mô hình quản lý (công hay tư, múc độ tự động hóa…). Quy hoạch và thiết các trạm này để chúng vận hành trơn tru là môt trong các yếu tố để đạt mục tiêu của chuỗi: đúng thời gian, đúng hàng, đúng người, đúng chất lượng phục vụ… Rõ ràng, khi dịch vụ giao nhận diễn ra ở trạm trung chuyển thì đi liền với dịch vụ này là rất nhiều dịch vụ khác mà các nhà quản lý trạm và doanh nghiệp cần khai thác có hiệu quả.
  • Dịch vụ công: Trong Logistics đô thị dịch vụ công được nhắc đến như một thành phần không thể thiếu được. Có thể nêu ra các hoạt động của dịch vụ công: môi trường pháp lý, chuyển đổi mô hình xã hội , mô hình kinh tế vĩ mô, quản lý nền tảng hạ tầng vật lý, hạ tầng số… Từ đây sẽ nhận ra vai trò của dịch vụ công là dẫn hướng, là hỗ trợ là tích hợp nhiều bên là phối hợp hoạt đông công-tư (PPP). Có thể nêu ra một vài ví dụ có thể thực tế ở nước ta: i/ Hãng dịch vụ công nghệ Uber vào nước ta từ rất sớm (2014), nhưng chờ đợi môi trường pháp lý để hoạt động quá lâu, họ không đủ kiên nhẫn. Nếu biết rằng hiện nay hãng Uber có mặt khắp châu Âu, để cùng các nước EU thực hiện giấc mơ 30% xe tự lái trên đường và giảm khí phát thải, hình thức giao hàng đa dạng (Robot hay thiết bị bay tự động)…và chúng ta có thể luyến tiếc vì đã mất đi một cơ hội. ii/ Một ví dụ khác, hiện nay có rất nhiều cơ sở hạ tầng do nhà nước quản lý như Nhà ga, tuyến vận tải đường sắt đô thị. Chắc chắn rằng, đường sắt Cát Linh- Hà Đông đang dư thừa năng lực vận chuyển hành khách. Câu hỏi đặt ra: sao không thu hút được nhiều khách đi? Lý do có nhiều, chúng tôi cho rằng mặc nhu cầu, cơ hội có nhiều nhưng thiếu nhiều giải pháp thu hút như thiếu tích hợp nguồn cung, thiếu tích hợp công tư, thiếu tích hợp đa phương thức… Đây nội dung có trong kiến thức logistics giao thông hành khách đô thị.

Có thể sau khi đọc những nội dung mà chúng tôi vừa trình bầy ở trên người đọc đã nhận ra khối kiến thức cần trang bị cho người học. Dưới đây xin vắn tắt một số thông tin về chương trình đào tạo chuyên ngành Logistics đô thị tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội: i/ Người học chuyên ngành Logistics đô thị sẽ được cấp bằng Đại học, hệ cử nhân với thời gian đào tạo trong khoảng 3,5-4 năm. ii/ Tổng số tín chỉ cho chương trình đại học là 130 tín chỉ phân bổ theo các khối kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành với tỷ lệ % phân bổ theo đúng quy định hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khối kiến thức chuyên nghiệp được chia đều cho ba nền tảng kiến thức như đã được khái quát ở trên, bao gồm: Kiến thức quản lý đô thị, quản lý kinh tế, dịch vụ thương mại; kiến thức về giao thông đô thị; và kiến thức về ứng dụng công nghệ tiên tiến. iii/ Mục tiêu của chuyên ngành là đào tạo cử nhân Logistics đô thị có tính cạnh tranh cao, đáp ứng cao nhất yêu cầu chuẩn đầu ra về ba mặt: kiến thức, kỹ năng và mức tự chủ và trách nhiệm (tuân thủ theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 về phê duyệt khung trình độ quốc gia). Chuyên ngành cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản thuộc phạm trù Logistics và chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực đô thị. Đó là xu thế tối ưu hóa dịch vụ logistics và giao thông (di chuyển) người và hàng hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 và cân bằng mục tiêu kinh tế – xã hội – môi trường .

Logistics đô thị – chuyên ngành được HUCE tuyển sinh bắt đầu từ năm học 2024-2025.

Sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành Logistics đô thị của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có thể đảm nhận những vị trí công việc, như sau: i/ Là nhân viên công chức, viên chức trong các dự án liên quan đến giao thông đô thị, quy hoạch đô thị, logistics đô thị và quy hoạch tỉnh, thành phố; ii/ Làm công chức trong nhiều bộ phận của tỉnh và thành phố để: Xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển, chính sách… về đô thị nói chung và giao thông vận tải đô thị nói riêng. iii/ Nhân viên văn phòng trong nhiều doanh nghiệp liên quan đến: giao thông vận tải, logistics, chuỗi cung ứng để độc lập quản lý, lập quy hoạch, thiết kế, vận hành … chuỗi cung ứng và chuỗi logistics; Đặc biệt chuyên sâu vào lĩnh vực quản lý giao thông đô thị, xây dựng chính sách, thiết kế vận hành tuyến giao thông đa phương thức, đầu mối, có khả năng xây dựng mô hình mới thay thế trong giao thông vận tải và logistics trong đô thị, thiết kế tối ưu dịch vụ và tham gia xây dựng phần mềm quản lý, phần mềm thương mại. iv/ Là giảng viên, nghiên cứu viên trong các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu có liên quan đến ngành học.

Tóm lại, một số nội dung được các tác giả bài viết cố gắng tập trung nhiều nhất để giải đáp câu hỏi: Logistics đô thị, chuyên ngành đào tạo Logistics đô thị là như thế nào? Để biết thêm xin mời quý vị và bạn đọc muốn tìm hiểu chuyên ngành Logistics đô thị ở Trường Đại học Xây dựng Hà Nội qua nhiều kênh thông tin như giới thiệu ở trên. Vài lời kết như sự hy vọng của chúng tôi và các bạn:

i/ Để đạo tạo một ngành Logistics đô thị đáp ứng cho nhu cầu thị trường kinh tế và quản lý Nhà trường đã tập trung xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến. Đảm nhiệm giảng dạy các khối kiến thức đào tạo liên quan đến đô thị, giao thông và hạ tầng đô thị, kinh tế và quản lý là các Bộ môn, các Khoa có kinh nghiệm đào tạo ngành từ những năm1956-1958; ngành công nghệ thông tin trong trường cũng có từ gần 30 năm nay.

ii/ Vì sao ngành dịch vụ logistics nói chung, và Logistics đô thị nói riêng lại có sức hấp dẫn? Bởi vì nó được ví như là cầu nối của các hoạt động trong xã hội và đích cuối cùng là cho con người, vì con người; mặt khác, dịch vụ Logistics kinh tế là một ngành non trẻ còn đầy tiềm năng và dư địa phát triển. Với ngành Logistics đô thị, xin đặt ngược vấn đề: Xu hướng đô thị hóa trên thế giới có phải là tất yếu không? Đô thị có phải là động cơ thúc đẩy phát triển đất nước hiện đại hóa, công nghiệp hóa không?

iii/ Logistics đô thị là ngành học mang tính hệ thống cao, đòi hỏi người tham gia trong chuỗi dịch vụ có tư duy logic và tư duy hệ thống nổi trội. Ngành này sẽ phù hợp với những sinh viên say mê, năng động, sáng tạo. Đặc biệt, sẽ mang lại lợi thế cho những người học có nền tảng kiến thức về công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 như: công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Trí tuệ nhân tạo (AI) …